Nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng
Nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh... |
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4648/VPCP-KTTH ngày 25/7/2022 về việc nghiên cứu đề xuất giảm các loại thuế, phí.
Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại văn bản số 240/LĐCP ngày 18/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao:
Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng, nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh... để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2022.
Từ đầu năm đến nay, xăng, dầu đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế từ ngày 11/7 đã góp phần đưa giá xăng trong nước xuống dưới mức 30.000 đồng/lít. Đây được đánh giá là động thái tích cực, thể hiện nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội nhằm kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho đời sống và sản xuất kinh doanh.
Đối với người dân, doanh nghiệp, dù mức giảm này chưa “thấm” vào đâu so với mức tăng nóng của giá xăng, dầu trong thời gian qua, nhưng đã giải tỏa phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giá các mặt hàng khác.
Thực tế cho thấy, giá xăng, dầu đang là “biến số” gây tác động đến lạm phát trên toàn cầu. Với người dân, doanh nghiệp trong nước, điều đáng quan tâm là sự ổn định về giá xăng, dầu như thế nào sau đợt giảm vừa qua mới là quan trọng. Từ cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu, nhiều ý kiến cho rằng, dư địa để giúp kìm giá xăng, dầu hiện vẫn còn, thông qua việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu.
Cụ thể, ở trong nước, dù thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được giảm kịch khung (xăng còn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít; dầu diesel còn 500 đồng/lít; dầu hỏa 300 đồng/lít; dầu mazut 300 đồng/lít; dầu nhờn 300 đồng/lít; mỡ nhờn 300 đồng/kg), tuy nhiên, hiện tại, các loại thuế, phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá xăng.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng đang phải "cõng" các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu 10%; thuế giá trị gia tăng 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON95, xăng sinh học E5RON92 là 8%). Nếu cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, mức trích lập quỹ bình ổn..., các loại thuế và chi phí khác đánh vào mặt hàng xăng, dầu của Việt Nam chiếm 28-35% giá bán lẻ.
Giá xăng, dầu tăng không chỉ gây khó khăn với người dân, doanh nghiệp mà còn tạo sức ép lớn đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Liên quan tới việc tiếp tục có phương án điều chỉnh thuế đối với mặt hàng xăng, dầu, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT đối với xăng, dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung.
Bộ Tài chính cũng cho biết, sẽ tiếp tục đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm VAT đối với xăng và dầu; mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%, nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng, dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.