Loại cây của Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản lượng, đem xuất khẩu thu gần 22 triệu USD trong tháng 8
Xuất khẩu chè 7 tháng đầu năm tăng về lượng nhưng giảm về giá trị Yên Bái: Sản lượng chè búp tươi của huyện Văn Chấn đạt 25 nghìn tấn Xuất khẩu chè nhiều nhất sang thị trường Pakistan |
Việt Nam hiện đứng thứ sáu trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới Ảnh: Hồng Thắm |
Việt Nam hiện đứng thứ năm về diện tích trồng chè và thứ sáu trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Hiện Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022).
Theo số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 12 nghìn tấn, trị giá 22 triệu USD, giảm 14,6% về lượng và giảm 21,3% về trị giá so với tháng 7/2023, giảm 5,7% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với tháng 8/2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 8/2023 ước đạt 1.859,3 USD/tấn, tăng 3,6% so với tháng 8/2022.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè ước đạt 71 nghìn tấn, trị giá 122 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.727,4 USD/tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Về chủng loại, 7 tháng đầu năm 2023, chè đen và chè xanh là 2 chủng loại xuất khẩu chính, với tỷ trọng chiếm 88,3% tổng lượng chè xuất khẩu.
Trong đó, xuất khẩu chè đen đạt 26,4 nghìn tấn, trị giá 35,9 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và giảm 13,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Chè đen xuất khẩu tới một số thị trường chính trong 7 tháng đầu năm 2023 như Iraq, Nga, thị trường Đài Loan, Pakistan …
Trong thời gian này, chè xanh xuất khẩu đạt 25,6 nghìn tấn, trị giá 50,1 triệu USD, giảm 19,2% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Chè xanh xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Pakistan, chiếm 78,6% tổng lượng chè xanh xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường như: Đài Loan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines…
Trong cơ cấu chủng loại chè xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2023, chủng loại chè ô long xuất khẩu có lượng và trị giá tăng mạnh, đạt 600 tấn, trị giá 1,7 triệu USD, tăng 75,7% về lượng và tăng 62,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 12 nghìn tấn |
Trong khi đó các chủng loại chè khác có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu chè đen giảm 10,2% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu chè xanh giảm 19,2% về lượng và giảm 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu chè ướp hoa giảm 5,8% về lượng nhưng tăng 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu các loại chè khác giảm 31,9% về lượng và giảm 58,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ.
Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha). Hiện nay, Việt nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao.
Ngành chè đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống người dân miền núi, giúp họ xóa nghèo, cải thiện được kinh tế gia đình và cả góp phần to lớn trong việc cải thiện kinh tế ở nhiều địa phương.