Livestream bán hàng - Chìa khoá tăng trưởng cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp
Livestream bán hàng – Chìa khoá tăng trưởng cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Xuân |
Xu hướng bán hàng qua kênh livestream tăng trưởng mạnh
Chỉ còn hơn 2 tuần là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 song sức mua các mặt hàng tết ở chợ và các kênh bán hàng truyền thống chỉ ở mức cầm chừng, có nơi ế ẩm, nhìn chung giảm đến khoảng 30-40% so với năm ngoái.
Tương tự, ở nhiều siêu thị, trung tâm thương mại cả nước, dù đã tập trung đẩy mạnh các gian hàng tết từ chất lượng đến mẫu mã, nhưng lượng người xem vẫn nhiều hơn người mua.
Tuy nhiên, trái ngược với kênh mua sắm truyền thống, trên các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại trên nền tảng mạng xã hội có phần sôi động hơn khi livestream bán hàng tiếp tục cho thấy sức tăng trưởng tốt.
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của nền tảng Haravan, cho rằng xu hướng bán hàng qua kênh livestream các sàn TikTokShop, Shopee Live đang tăng trưởng mạnh. Haravan có phương án quản lý bán hàng đa kênh, đa gian hàng, giúp họ có thể quản lý đơn hàng, quản lý tồn kho hiệu quả hơn, có góc nhìn toàn diện về chi phí, lợi nhuận khi bán hàng và livestream trên nhiều sàn thương mại điện tử cùng một lúc chỉ tại một nơi duy nhất.
Việc này không chỉ giúp cho chủ doanh nghiệp kiểm soát được vận hành kinh doanh, cân đối tài chính mà còn giúp tăng hiệu suất làm việc cho nhân sự lên 30-50%, khi có thể xử lý được nhiều nghiệp vụ kinh doanh hơn, hoặc xử lý đơn hàng trong nhiều tài khoản bán hàng cùng một chỗ.
Hiện tại, Haravan cũng ghi nhận xu hướng livestream bán hàng trên Facebook đang có sự tăng trưởng nóng trở lại. Đặc biệt sau khi Meta cập nhật nhiều tính năng hỗ trợ quảng cáo cho phiên livestream nhanh chóng tiếp cận được nhiều khách hàng đúng mục tiêu, kèm theo đó là chi phí, quy định dễ dàng hơn.
Cụ thể, nếu chủ kinh doanh mất nhiều chi phí trên các sàn thương mại điện tử khác, livestream Facebook là một hướng đi tạo ra lợi nhuận tốt vì không mất phí sàn và có số lượng đơn hàng lớn từ những khách hàng đã từng mua hàng, cộng đồng đang yêu thích thương hiệu có sẵn.
“Một số nhà kinh doanh, có lượng đơn hàng từ 500 đến 10.000 mỗi ngày từ kênh này với các giải pháp livestream chốt đơn tự động, gắn giỏ hàng ngày trên phiên Live, tạo ra trải nghiệm mua hàng tương tự như trên sàn TMĐT. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể tăng đến 300% hiệu suất chốt đơn của nhân sự, chống bỏ sót đơn hàng của khách”, ông Tấn nhấn mạnh.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO cho biết, thời gian qua, tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, tiểu thương bế tắc đầu ra, ế ẩm. Trong khi xu hướng ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc triển khai bán hàng online rất mạnh mẽ, qua Tiktok, người tiêu dùng vừa giải trí và vừa mua sắm.
Trước thực tế này, KIDO đã kết hợp với Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số. Ngay như chợ Bến Thành cũng đang ứng dụng công nghệ vào bán hàng online.
Theo ông Trần Lệ Nguyên, khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy được xu hướng thì cần phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi. Cùng với việc phối hợp với Tiktok, doanh nghiệp sẽ cùng với Sở Công thương TPHCM tiếp tục triển khai việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử tới các chợ truyền thống khác, mục tiêu là bán được hàng.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh là tiếp cận thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng dịch chuyển thì các doanh nghiệp phải thích ứng với sự thay đổi này. Vấn đề là làm sao kích hoạt dịch vụ và tiêu dùng, thương mại để hỗ trợ cho sản xuất trong nước.
Do đó, cần kích hoạt những chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và lan tỏa tới tiêu dùng, sản xuất trong nước, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp. Không cần ban hành thêm những chính sách gì mới, mà tập trung làm tốt những chính sách đã có và đánh giá những chính sách này.
TS Nguyễn Quốc Việt thông tin thêm, Trung Quốc hiện tại đã thâm nhập sâu vào lĩnh vực thương mại điện tử, đầu tư các kho bãi, có những nền tảng, livestream bán hàng chuyên nghiệp. Tất cả doanh nghiệp trong nước phải thấy được điều này để thay đổi.
Cần có sự sáng tạo để người xem không bị nhàm chán
Tiểu thương sạp kẹo mứt Ngọc Châu và Ba Hung Food Ảnh: Lê Tỉnh |
Theo các chuyên gia có liên quan trong lĩnh vực, nhược điểm của hình thức này nằm ở chỗ chi phí cho chương trình khuyến mãi cao. Nhà kinh doanh, doanh nghiệp để giữ hình ảnh thương hiệu tốt thì cần đầu tư hình ảnh, thuê người nổi tiếng, phòng bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp… dẫn đến chi phí để vận hành lớn.
“Sau một thời gian dài livestream, người xem sẽ dễ sinh nhàm chán nếu không có sự sáng tạo, thay đổi mới. Điều quan trọng nhất người tiêu dùng đã quen với việc mua giảm giá, khuyến mãi sâu chủ kinh doanh sẽ rất khó bán sản phẩm có lãi, hoặc giữ được bản sắc thương hiệu”, vị này nói thêm.
Qua số liệu thống kê từ Metric trong tháng 10-2023, tổng doanh thu trên các sàn TMĐT lớn hiện nay đã lên đến gần 24 nghìn tỷ đồng với hơn 201 triệu sản phẩm được giao thành công (chưa tính trên TikTok Shop), ước tính tăng 30% so với doanh thu cùng kỳ năm 2022. Metric cũng chỉ ra với mức tăng trưởng dự kiến là trên 40%, doanh thu trên các sàn TMĐT quý IV năm 2023 ước đạt 90 nghìn tỷ đồng.
Để thúc đẩy hoạt động livestream bán hàng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải toàn quốc cần phát triển nhằm giúp chi phí vận chuyển giảm, thời gian giao hàng nhanh chóng, doanh nghiệp nhẹ bớt ngân sách và tăng cao tỉ lệ giao hàng thành công cho khách đặt hàng. Hơn nữa, khi người tiêu dùng quen với việc thanh toán online, cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp có dòng tiền vận hành tốt hơn và cũng tăng mạnh ý thức đặt hàng, nhận hàng của người mua.
Cuối cùng, livestream bán hàng cần có sự sáng tạo để người xem không cảm thấy bị nhàm chán, kích thích nhu cầu tiêu dùng và mua hàng. Các nhà bán hàng có thể học được điều này ở Trung Quốc với nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, lấy bối cảnh từ thời Tây Du Ký, kiếm hiệp đến thành phố tương lai…
Ghi nhận ở Việt Nam, đơn vị bán hàng bắt đầu có những phiên livestream ngay tại vườn, tại kho hàng, đem đến nhiều góc nhìn thú vị cho khán giả, thoả mãn nhu cầu tiếp thu nội dung và kích thích người dùng mua hàng, nhưng công nghệ hỗ trợ kĩ xảo vẫn cần cập nhật trong tương lai gần.