Gỡ “nút thắt” về nguyên liệu để ngành cá ngừ tái đạt mốc 1 tỷ USD
Liên tục từ đầu năm, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Italy tăng trưởng cao liên tục ở mức 3 con số. Tính riêng trong tháng 5, xuất khẩu cá ngừ sang Italy tăng tới 224% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 4 triệu USD.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 15 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, nếu như năm ngoái cá ngừ tươi, đông lạnh và khô của Việt Nam (trừ thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS03034) không xuất khẩu được sang thị trường Italy, năm nay giá trị xuất khẩu mặt hàng này chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Tiếp đến là cá ngừ đóng hộp. Xuất khẩu cả hai nhóm sản phẩm này đều tăng so với cùng kỳ.
Trái với xu hướng nhập khẩu từ Việt Nam, nhập khẩu cá ngừ vào Italy từ các nước đang có xu hướng sụt giảm, giảm 19% trong quý I/2024.
Theo số liệu thống kê của Eurostat, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ tươi, đông lạnh và khô lớn nhất ngoài khối cho Italy, cao hơn cả Philippines và Indonesia. Trong khi đó, tại phân khúc thị trường cá ngừ đóng hộp, Việt Nam đang là nguồn cùng lớn thứ 7 cho Italy, sau Indonesia, Ecuador, Trung Quốc, QĐ.Solomon, Colombia và Seychelles.
Hiện có khoảng 8 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó, Yueh Chyang Canned Food và Mariso Việt Nam là 2 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Gỡ "nút thắt" trong khâu nguyên liệu xuất khẩu cá ngừ
Theo các doanh nghiệp, nhưng lợi thế về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại thị trường Italy.
Và nếu những “nút thắt” về nguyên liệu được tháo gỡ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Italy.
Vasep đánh giá, trong cơ cấu giá trị xuất khẩu cá ngừ những năm gần đây, có tới hơn 50% giá trị được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu và không ổn định.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang phản ánh khó làm giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) nguồn nguyên liệu khai thác trong nước.
Theo Vasep, có nhiều lý do khiến các doanh nghiệp mua nguyên liệu xong không được cấp S/C do một số vấn đề ở các khâu trước mà doanh nghiệp rất khó để biết rõ, như vấn đề xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá hay vấn đề tàu cá khai thác ở vùng biển không đúng quy định… Dù những tàu cá này vẫn được phép ra khơi khai thác bình thường, được kiểm tra và cho phép cập cảng bình thường.
Hay một tình trạng xảy ra trong 2-3 tháng gần đây, khá nhiều các tàu cá lắp đặt hệ thống giám sát qua mạng bưu chính viễn thông bị lỗi liên tục làm cho tàu cá mất kết nối giám sát hành trình từ 6 tiếng trở lên, có tàu mất đến 2-3 ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu làm giấy S/C của doanh nghiệp.
Từ thực tế trên, Vasep cho rằng, các tỉnh và địa phương cần triển khai tốt và kịp thời việc xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá, cảng cá theo quy định cũng như thực hiện nghiêm việc cho phép xuất bến-cập bến của tàu cá khi không đủ các điều kiện như pháp luật đã quy định;…
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi quy định để có thể cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay cho doanh nghiệp khi đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá; có hướng dẫn, chỉ đạo việc giải quyết giấy S/C cho những trường hợp tàu cá bị mất kết nối do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ được xác nhận.
Nếu những bất cập này được tháo gỡ, Vasep nhận định, năm 2024 ngành cá ngừ Việt Nam sẽ có cơ hội quay lại mốc tỷ USD.
Xuất khẩu cá ngừ, cua ghẹ bứt phá mạnh mẽ |
Cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã có mặt ở hơn 65 thị trường |
Gỡ “nút thắt” nguyên liệu để xuất khẩu cá ngừ |