Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước lo ngại căng thẳng thương mại toàn cầu?
Đề xuất sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải có văn phòng đại diện Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam Bảo vệ hàng hoá Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu |
Tổng thống Trump ký lệnh áp thuế với Canada, Mexico và Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump họp báo về tại Nhà Trắng ngày 30/1. Ảnh: AFP |
Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời tăng thuế quan 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các mức thuế quan này có hiệu lực từ ngày 4/2 và sẽ được duy trì cho đến khi tình trạng khẩn cấp quốc gia về chất gây nghiện fentanyl và nạn nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ chấm dứt.
Theo văn bản của Nhà Trắng, các mức thuế quan trên sẽ được duy trì “cho đến khi khủng hoảng lắng xuống”, đề cập tới cuộc khủng hoảng về chất gây nghiện fentanyl và tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Nhà Trắng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về những hành động nào mà 3 nước trên cần thực hiện để tránh bị áp thuế quan.
Tuy nhiên, đến ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn lại các mức thuế đối với Mexico và Canada để tiếp tục đàm phán, trong khi đó thuế nhập khẩu vẫn áp dụng cho Trung Quốc.
Ông Trump đã quyết định hoãn lại các mức thuế đối với Mexico trong một tháng để tiếp tục đàm phán, sau khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đồng ý triển khai 10.000 thành viên Vệ binh Quốc gia của nước này đến biên giới nhằm ngăn chặn hoạt động buôn bán ma túy.
Trong khi đó, thuế quan đối với Trung Quốc dự kiến vẫn có hiệu lực vào ngày 4/2, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn về độ bền vững của các thỏa thuận và câu hỏi đặt ra là liệu những mức thuế này có phải là dấu hiệu của một cuộc chiến thương mại toàn diện hay không, khi ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thêm nhiều loại thuế nhập khẩu khác.
Chiều cùng ngày, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã công bố một thỏa thuận tạm thời để tạm dừng việc áp đặt mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu trong 30 ngày, trong khi hai bên hoàn tất một hiệp ước an ninh biên giới cuối cùng.
Ông Trump và ông Trudeau đã có hai cuộc điện đàm trước khi công bố thỏa thuận.
“Canada đã đồng ý đảm bảo rằng chúng ta có một Biên giới phía Bắc an toàn và chấm dứt tình trạng tệ nạn chết người từ các loại ma túy như Fentanyl đang tràn vào đất nước của chúng ta”, ông Trump tuyên bố trên Truth Social sau cuộc điện đàm với ông Trudeau. “Canada sẽ thực hiện kế hoạch biên giới trị giá 1,3 tỷ USD của họ”.
"Với vai trò Tổng thống, trách nhiệm của tôi là đảm bảo sự an toàn cho tất cả người dân Mỹ, và tôi đang thực hiện điều đó”, ông nói thêm, đồng thời khẳng định: “Tôi rất hài lòng với kết quả ban đầu này”.
Việc Mỹ đe dọa áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu. Bởi bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu. Việt Nam không phải ngoại lệ.
Doanh nghiêp Việt cần làm gì nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực?
Việc ông Trump đề xuất áp thuế toàn diện lên hàng nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí hàng hóa Việt Nam tại Mỹ. |
TS Hà Thị Cẩm Vân, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ông Trump đề xuất áp thuế toàn diện lên hàng nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí hàng hóa Việt Nam tại Mỹ, khiến các ngành xuất khẩu (XK) lớn như điện tử, may mặc, và da giày mất lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp (DN) DN Việt Nam, vốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hợp đồng và thị trường.
Đứng ở góc độ quản lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump dẫn đến tình trạng thu gom hàng “chạy thuế”, làm cho nhu cầu và giá cước vận chuyển container tăng mạnh. Việt Nam cũng đứng trước thách thức cạnh tranh XK về giá do gia tăng các chi phí về logistics.
Còn theo PGS.TS Phạm Thị Thu Trà, chuyên gia kinh tế, không thể bỏ qua những thách thức mà xu hướng bảo hộ thương mại và các chính sách của chính quyền Trump sẽ mang lại. Như trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với các quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Nếu ông Trump tiếp tục áp đặt mức thuế nhập khẩu diện rộng, hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể.
Thực ra, để đánh giá tác động đầy đủ từ chính sách thuế quan mới của chính quyền Mỹ vẫn cần chờ thêm thời gian với những “ẩn số” khó đoán định. Tuy nhiên, các DN Việt nên có kế hoạch cho tương lai, nhận ra những điểm yếu trong chuỗi cung ứng hiện tại để tạo dựng an toàn hơn.
TS. Hà Thị Cẩm Vân đề xuất một trong những biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực là cần đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng XK sang EU, Nhật Bản, ASEAN và tăng cường nội địa hóa sản xuất để nâng cao tự chủ kinh tế.
Để tạo dựng chuỗi cung ứng an toàn thì việc đa dạng thị trường xuất nhập khẩu là điều mà các DN Việt cần tính tới. Đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP, sẽ giúp Việt Nam phần nào đảm bảo được lượng hàng hóa thông qua được duy trì ổn định, giảm thiểu ảnh hưởng và biến động thương mại một khi các cuộc chiến thương mại có nguy cơ bùng phát.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói rằng cùng với việc đàm phán ký kết các FTA, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ DN khai thác tối đa lợi ích từ các hiệp định. Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ DN xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các chương trình kết nối DN với các nhà cung cấp uy tín trong nước và quốc tế sẽ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Tựu trung lại, trước “ẩn số” thương chiến với những biến động khó lường, nếu các DN Việt càng ứng phó nhanh bao nhiêu trong giai đoạn đầy thách thức này với việc tạo dựng chuỗi cung ứng an toàn, sẽ càng sớm vượt qua những rủi ro bấy nhiêu.
Kim ngạch thương mại Việt Nam và Philippines chính thức vượt mức 8 tỷ USD |
Đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2025 |
Thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD năm 2024 |