Giá xăng đạt đỉnh khiến doanh nghiệp thêm khó

Nhiều doanh nghiệp lao đao sau dịch Covid-19 đang loay hoay tìm hương sinh tồn thì việc giá xăng dầu đạt đỉnh đưa đến tình trạng khó càng thêm khó.

Tại kỳ điều hành ngày 26/10 vừa qua, mặc dù đã dùng tới quỹ bình ổn nhưng mỗi lít xăng E5 vẫn tăng 1.427 đồng, xăng A95 tăng 1.459 đồng. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 lên mức 23.110 đồng/lít, còn xăng A95 lên mức 24.338 đồng/lít. Giá một số mặt hàng dầu cũng tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít.

Khó chồng khó

Vận tải hành khách, hàng hóa đang khốn đốn vì dịch bệnh COVID-19 nay càng thêm điêu đứng khi giá xăng dầu tăng mạnh. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM kiêm Phó Tổng giám đốc hãng taxi Vinasun, đánh giá làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư tiếp tục khiến các hãng taxi sụt giảm doanh thu. Nhiều hãng taxi có số lượng lớn xe “đắp chiếu”. Đây là tình cảnh chung của các hãng taxi cả nước.

Đáng chú ý, các đợt dịch liên tục bùng phát khiến lượng khách giảm rất sâu. Tài xế không có khách, không có doanh thu nên bỏ xe. Hiện nay taxi đã hoạt động lại nhưng tình hình cũng không khả quan vì lượng khách đi lại vẫn hạn chế.

“Giá xăng dầu tăng chắc chắn ảnh hưởng lớn đến chi phí của các hãng taxi. Chúng tôi trông chờ cơ quan quản lý có giải pháp hợp lý để giảm bớt gánh nặng, khó khăn cho doanh nghiệp (DN)”, ông Hỷ chia sẻ.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiêm Giám đốc HTX vận tải Thăng Long, cũng nhìn nhận các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua. Thua lỗ do xe “trùm mền” thời gian dài vì dịch COVID-19, giờ thêm giá xăng dầu tăng nên rất khó để các đơn vị vận tải hoạt động lại vì chi phí xăng dầu chiếm tới 40%-45% chi phí hoạt động.

Giá xăng đạt đỉnh khiến doanh nghiệp thêm khó
Giá xăng dầu trong nước tăng lên mức cao nhất trong bảy năm qua, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp và đời sống người dân.

“Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15%-20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng nữa thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng”, ông Liên nêu thực tế.

Nhưng không chỉ các đơn vị kinh doanh vận tải mà các DN sản xuất cũng đau đầu trước tình trạng giá xăng dầu tăng cao. Đại diện một công ty thực phẩm cho hay thời gian gần đây giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, có loại tăng đến 40%, nay đến lượt xăng dầu tăng cao nên chẳng khác nào “cú đánh bồi”.

Đáng lo là khi đầu vào tăng gây áp lực buộc các nhà sản xuất phải tăng giá sản phẩm, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Vì vậy, nhiều DN đề nghị cần phải ổn định giá xăng dầu để phục hồi kinh tế.

Giảm thuế, phí để giảm áp lực giá xăng dầu

Nhiều ý kiến nhận định giá xăng dầu không dừng lại mà dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và điều này sẽ tác động tới nền kinh tế. Trong bối cảnh này, Nhà nước có thể sử dụng giải pháp giảm các loại thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu. Bởi các loại thuế, phí hiện chiếm hơn 60% với mỗi lít xăng tùy loại, trong đó riêng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên đến 3.800-4.000 đồng/lít.

Ông Phạm Văn Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Petro Times, đề xuất trong giai đoạn giá dầu tăng phi mã như hiện nay thì Nhà nước nên có chính sách giảm thuế trong một thời gian nhất định. Ví dụ, từ giờ đến quý II/2022 giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. Sau thời điểm đó thì lại trở về bình thường.

“Điều này có thể hỗ trợ được cho người dân và DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tôi đã làm việc với một số đơn vị vận tải, sản xuất, kinh doanh thì được biết họ đang rất khó khăn, sản phẩm đầu ra không tăng mà chi phí đầu vào cái gì cũng tăng”, ông Kỳ nói.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần giảm thuế, phí xăng dầu để chia sẻ khó khăn với người dân, DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Qua đó giúp người dân bớt được gánh nặng chi phí, DN giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa.

Giá xăng đạt đỉnh khiến doanh nghiệp thêm khó
Khi doanh nghiệp bớt được chi phí xăng dầu sẽ giảm được áp lực tăng giá hàng hóa.

Đã đề nghị giải pháp với Chính phủ

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho hay từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, khoảng 35%-40%. Tuy nhiên, để hạn chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu. Vì vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng 30%-35%, thấp hơn mức tăng chung của thế giới.

Nhưng vì đã sử dụng quỹ nhiều để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nên dư địa hiện giờ không còn nhiều. Đến nay, đã có 14 đầu mối bị âm quỹ, trong đó có hai tập đoàn xăng dầu lớn là Petrolimex và PVOIL có số quỹ âm lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Trong bối cảnh trên, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp để góp phần bình ổn giá xăng dầu, hỗ trợ phục hồi sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng. “Bộ Công Thương đã đề xuất và lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo. Điều quan trọng bây giờ là Bộ Tài chính cân đối nguồn thu để xem xét việc giảm thuế”, ông Đông nói.

Trong lần trao đổi trước đó với báo chí, ông Đông cũng cho biết ngoài việc sử dụng hiệu quả, linh hoạt Quỹ bình ổn xăng dầu thì có thể cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí. Đơn cử như giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng giá xăng dầu tăng do giá dầu thế giới tăng. Tuy nhiên, ông đề nghị cần xã hội hóa kinh doanh xăng dầu trong nước, không nên “độc quyền” vài đầu mối kinh doanh ngành hàng này. Từ đó tạo được môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, phát triển lành mạnh và bền vững.

Giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực

Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay: Giá xăng dầu trên thế giới trong năm nay biến động mạnh, từ 52 USD/thùng lên 81 USD/thùng. Hiện thị trường xăng dầu Việt Nam đã có những bước tiến về tính cạnh tranh và quy luật cung cầu đã được tuân thủ. Giá xăng dầu hiện nay đã phản ánh khá chính xác diễn biến của giá xăng dầu thế giới sau đại dịch COVID-19.

“Với việc tăng giá xăng dầu như hiện nay thì chắc chắn chi phí sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt sẽ có biến động. Các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Bộ Tài chính phải có tính toán và tham mưu, kiến nghị chính sách. Qua đó nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới nền kinh tế, tới quá trình phục hồi kinh tế và sản xuất, kinh doanh của DN, đời sống của người dân”, vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay.

Chân Luận

Cần cân nhắc thận trọng

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia - kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng việc dùng thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu cần phải hết sức tính toán. Bởi điều đó sẽ tác động nhiều chiều, can thiệp quá mạnh vào yếu tố thị trường.

“Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng về việc giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng vọt vì khả năng đó khó xảy ra. Tất nhiên vào cuối năm cũng có thể tăng lên một chút nhưng không nhiều. Trong năm 2022 tới, dự báo cung cầu xăng dầu và tốc độ phục hồi kinh tế không bật mạnh như năm 2021 trên thế giới, kỳ vọng giá xăng dầu sẽ ổn định trở lại và có thể sẽ giảm nhẹ một chút so với bình quân năm 2021. Về lâu dài, chúng tôi vẫn muốn thị trường xăng dầu phải vận hành theo cơ chế thị trường nhiều hơn” - ông Lực đánh giá.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính, cũng cho rằng nên để xăng dầu tự điều tiết, vận hành theo cơ chế thị trường. Ông Thịnh đánh giá giải pháp giảm thuế, phí xăng dầu không hợp lý, không khuyến khích được các DN sử dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu. Vì vậy, Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ gián tiếp để các DN và người dân giảm tác động do giá xăng dầu tăng.

Cụ thể, ở các tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh như TP.HCM, Bình Dương… thì cần hỗ trợ để các DN vận tải hàng hóa, hành khách phục hồi sản xuất. Chẳng hạn, Nhà nước có thể triển khai các gói hỗ trợ tài chính để bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN.

An Hiền
Pháp luật TP.HCM

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Tin khác

Du lịch Việt Nam bứt tốc trên đường đua thu hút khách quốc tế

Du lịch Việt Nam bứt tốc trên đường đua thu hút khách quốc tế

Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm tới nay đạt mức tăng trưởng trong khoảng 10 - 25%, xếp thứ bảy trên thế giới. Có thể nói, du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để bứt tốc vươn lên vị trí hàng đầu khu vực.
Tái định hình ngành chăn nuôi – thú y: Kết nối tri thức, dẫn dắt đổi mới

Tái định hình ngành chăn nuôi – thú y: Kết nối tri thức, dẫn dắt đổi mới

Sự hợp nhất giữa Viện Chăn nuôi và Viện Thú y không chỉ là bước đi tinh gọn bộ máy mà còn mở ra kỳ vọng về một trung tâm nghiên cứu hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi – thú y phát triển bền vững trong thời đại chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo.
Chuyển đổi số tiểu thương: Sản phẩm “cầm tay chỉ việc” từ Bộ Công Thương

Chuyển đổi số tiểu thương: Sản phẩm “cầm tay chỉ việc” từ Bộ Công Thương

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương ra mắt cuốn “Sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống”.
Bộ Xây dựng làm rõ quyền chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai

Bộ Xây dựng làm rõ quyền chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai

Sự linh hoạt trong quy định pháp lý giúp thúc đẩy tính thanh khoản, tăng niềm tin nhà đầu tư và người mua nhà.
Ngành ô tô Việt tìm thế vững giữa biến động toàn cầu

Ngành ô tô Việt tìm thế vững giữa biến động toàn cầu

Đối mặt với những biến động chưa từng có từ thị trường quốc tế và các điểm nghẽn nội tại, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang dần chuyển mình mạnh mẽ. Từ chiến lược nội địa hóa, nâng cao hiệu suất sản xuất đến áp dụng công nghệ số và mở rộng kết nối toàn cầu, các doanh nghiệp đang định hình nền tảng vững chắc cho mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất ô tô và linh kiện của khu vực Đông Nam Á.
Bộ trưởng Tài chính: Miễn thuế đất nông nghiệp đến 2030, hỗ trợ trực tiếp nông dân mà không giảm thu

Bộ trưởng Tài chính: Miễn thuế đất nông nghiệp đến 2030, hỗ trợ trực tiếp nông dân mà không giảm thu

Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một trong những ưu đãi lớn nhất dành cho khu vực nông nghiệp – nông thôn. Tuy nhiên, để chính sách không bị biến thành “đặc quyền vô điều kiện”, trong phiên họp chiều 11/6, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần siết lại các tiêu chí hưởng lợi, gắn miễn thuế với nghĩa vụ sử dụng đất hiệu quả và công bằng.
Chuẩn hóa cấp phép, siết điều hành giá, minh bạch quản lý xăng dầu

Chuẩn hóa cấp phép, siết điều hành giá, minh bạch quản lý xăng dầu

Ngày 11/6, Bộ Công Thương ban hành Thông tư mới hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Quy định lần này tập trung vào việc chuẩn hóa hồ sơ, quy trình cấp phép và xác lập cơ sở điều hành giá bán lẻ, nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý trong lĩnh vực xăng dầu.
Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo

Cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo

Những tháng đầu năm 2025, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá giảm sâu, tác động không nhỏ đến doanh nghiệp và đời sống nông dân. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra không quá bi quan bởi hiện nay thị trường xuất khẩu gạo của ta đã được đa dạng hóa, mở rộng thị phần phân khúc cao cấp không chỉ ở EU mà cả với Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông.
Khủng hoảng gạo tại Nhật Bản: Cơ hội vàng cho gạo Việt vươn tầm quốc tế

Khủng hoảng gạo tại Nhật Bản: Cơ hội vàng cho gạo Việt vươn tầm quốc tế

Khủng hoảng gạo đang khiến Nhật Bản lao đao với giá cả tăng vọt, kho dự trữ cạn kiệt và chuỗi cung ứng rối loạn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một đối tác tiềm năng, không chỉ giúp Nhật giải cơn “khát gạo” ngắn hạn mà còn mở ra cơ hội tái định vị thương hiệu gạo Việt trên bản đồ lương thực toàn cầu.
Chuyển đổi số tạo đà cho nông sản vươn xa

Chuyển đổi số tạo đà cho nông sản vươn xa

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua nền tảng số đang trở thành hướng đi chiến lược tại nông thôn. Từ nông dân đến hợp tác xã và doanh nghiệp đều có thể tham gia vào chuỗi giá trị mới, mở ra nhiều cơ hội trong hành trình chuyển đổi số nông thôn.
Xem thêm

Thương hiệu nổi bật

partner-vingroup
partner-bivaco
partner-shb
partner-tan-hoang-minh-group
partner-hdbank
partner-sunshine-group
partner-vinacomin
partner-viglacera
partner-giovanni
partner-th
partner-bacabank
partner-danko-group
Phiên bản di động