Xuất nhập khẩu 15 ngày đầu năm 2025 vượt 34 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 15 ngày đầu năm 2025 vượt 34 tỷ USD. |
Theo thống kê mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, nửa đầu tháng 1 (1-15/1/2025), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,25 tỷ USD.
Có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; thủy sản, cà phê, rau quả…
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 1 đạt 17,98 tỷ USD. Hai nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Như vậy, có thể thấy, nửa đầu tháng 1 xuất nhập khẩu hàng hoá vẫn tập trung vào các mặt hàng phục vụ sản xuất, xuất khẩu vì đó là giai đoạn đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá, phục vụ các đơn hàng trước Tết Ất Tỵ.
Tính chung 15 ngày đầu tháng 1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 34,23 tỷ USD; cán cân thương mại nhập siêu 1,73 tỷ USD.
Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 786,29 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng 15,4% (tương ứng tăng 105,22 tỷ USD) so với năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% (tương ứng tăng 50,81 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 54,41 tỷ USD).
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 thặng dư 24,77 tỷ USD, cũng là năm thứ 9 xuất siêu liên tiếp.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại các địa phương vẫn duy trì hoạt động sản xuất xuyên Tết. |
Năm 2025, mục tiêu của ngành công thương phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng 12%, tức giá trị xuất khẩu năm sau “ngắm mốc” 451 tỷ USD. Để đạt được tăng trưởng 2 con số, các ngành hàng xuất khẩu phải tăng tốc ngay từ đầu năm, tận dụng mọi cơ hội thị trường để có đơn hàng, duy trì sản xuất liên tục.
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại các địa phương vẫn duy trì hoạt động sản xuất xuyên Tết. Đơn cử, theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, có 16 doanh nghiệp tại các KCN: Đình Trám, Quang Châu, Việt Hàn, Vân Trung, Hòa Phú... với tổng số hơn 8.000 lao động đăng ký làm việc trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tăng hơn 3.000 lao động so với dịp Tết Giáp Thìn).
Theo nhận định của Bộ Công thương, năm 2025, xuất khẩu vẫn sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen. Đó là tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, cạnh tranh sẽ gia tăng, nhất là từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...
Cùng với đó, các nước phát triển áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Đặc biệt, kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump với nhiều quốc gia như Mexico, Canada, Trung Quốc...
Điều này có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về vận chuyển, và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu cũng như rủi ro về thuế quan khi thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ còn lớn..., các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm.
Cùng với năng lực sản xuất tiếp tục được củng cố, các hiệp định FTA đã ký với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam, đặc biệt là việc ký kết Hiệp định FTA với UAE giúp khai mở thị trường tiềm năng tại Trung Đông - châu Phi trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại... sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này, từ đó tạo động lực đối với tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2025, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào các mục tiêu như tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tham mưu xây dựng các chính sách thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Tăng cường nghiên cứu, có những cảnh báo kịp thời, bám sát tình hình thương mại biên giới. Đặc biệt, tăng cường chống gian lận xuất xứ hàng hóa.