Nhập khẩu xăng dầu tiếp tục giảm mạnh
Nhập khẩu xăng dầu giảm ba tháng liên tiếp |
Theo Tổng cục Hải quan trong tháng 4/2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 667.000 m3 xăng dầu, tương đương 534 triệu USD, giảm 11% về lượng và giảm 12,5% về giá trị so với tháng 3. So với tháng 4/2022, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam đã giảm 15% về lượng và giảm 38% về giá trị.
Giá xăng dầu nhập khẩu trong tháng 4 khoảng 801 USD/m3, giảm nhẹ so với tháng 3 và giảm 26,5% so với tháng 4/2022.
Lũy kế quý I, Việt Nam nhập khẩu 3,2 triệu m3 xăng dầu, tương đương gần 2,8 tỷ USD, giảm 5% về lượng và giảm 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân quý I, giá xăng dầu nhập khẩu ở mức 843 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Dữ liệu hải quan cũng cho thấy 4 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc vẫn là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 39% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc gần 1,3 triệu m3 xăng dầu, tương đương 1 tỷ USD, giảm 9% về lượng và giảm 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 848 USD/m3, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Công Thương hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý I tương đối khá ổn định |
Theo số liệu của Bộ Công Thương, nguồn cung xăng dầu trong quý I đạt gần 6 triệu m3/tấn, chiếm khoảng 22% tổng nguồn cung năm 2023, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý I tương đối khá ổn định, tuy nhiên một số doanh nghiệp đầu mối vẫn chưa thực hiện nhập đủ lượng xăng dầu được phân giao do khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối và cả hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu trong việc tiếp cận vốn, cả về hạn mức tín dụng và điều kiện vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để nhập hàng.
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm.
Thứ hai, các doanh nghiệp phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống, cả nguồn trong nước và nhập khẩu; theo dõi sát tình hình nguồn cung trong nước để chủ động nhập khẩu phù hợp (nhập sớm, đủ số lượng, đúng chủng loại).
Thứ ba, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh, từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối.