Tập đoàn Thành Công muốn bán hết cổ phần tại Eximbank Cùng Eximbank chuyển yêu thương - đi muôn phương Ghế “nóng” Eximbank lại đổi chủ |
Một phòng giao dịch của Eximbank. |
Theo kế hoạch, ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của Eximbank sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28/11 tới. Đây là lần đầu tiên nhà băng này tổ chức một kỳ ĐHĐCĐ tại Hà Nội, thay vì tổ chức tại TP.HCM như những lần trước đây. Đáng chú ý, một trong những nội dung chính sẽ được bỏ phiếu thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường này là Eximbank dự kiến chuyển trụ sở chính ra ngoài Hà Nội.
Xung quanh diễn biến này, một số ý kiến cho rằng tệp khách hàng truyền thống của Eximbank vốn chủ yếu tập trung tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, nên việc “dời đại bản doanh có thể gây bất lợi cho ngân hàng trong việc tiếp cận khách hàng.
Sau đó là một chuỗi những tin đồn tràn lan trên mạng xã hội xuyên tạc nguyên do của chủ trương này. Thậm chí, Eximbank đã phải lên tiếng trước những thông tin liên quan khi cho rằng các thông tin này đã “gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng, xâm phạm quyền lợi của cổ đông ngân hàng. Đặc biệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu, uy tín của ngân hàng”.
Cho đến 5/11 vừa qua, Eximbank đã công bố Nghị quyết của HĐQT đồng ý thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ địa chỉ hiện tại là Tầng 8, Văn phòng số L8-01-11+16 Tòa nhà Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh sang địa điểm mới là Số 27-29 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Quyết định chuyển trụ sở sẽ được thảo luận công khai và chỉ được thực hiện khi có từ 51% phiếu biểu quyết thông qua tại Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào 28/11 tới đây, cũng như cần được sự chấp thuận của NHNN.
Theo Công bố thông tin, Eximbank cho biết, miền Bắc là một thị trường năng động, còn nhiều dư địa để khai phá. Vì thế, Ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp cận với các khách hàng tiềm năng tại khu vực này, để nắm bắt các cơ hội thị trường, giúp gia tăng doanh thu, lợi nhuận và sức ảnh hưởng của thương hiệu. Vì thế, việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính là cần thiết để phù hợp với chiến lược phát triển của Ngân hàng trong bối cảnh mới.
Có thể thấy, phía sau quyết định dời trụ sở Eximbank ra Hà Nội, không đơn thuần chỉ là chuyện chuyển đổi trụ sở, mà còn là chiến lược của nhà băng này, đi kèm với mục tiêu mở rộng thị phần.
Eximbank vốn được biết đến là một thương hiệu ngân hàng lâu đời, với phạm vi hoạt động kinh doanh mạnh mẽ tại khu vực phía Nam. Đề xuất chuyển trụ sở ra Hà Nội cho thấy HĐQT của nhà băng này không giấu diếm tham vọng mở rộng thị phần ra khu vực phía Bắc, tái định vị thương hiệu Eximbank, mở rộng sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc.
Trong cuộc cạnh tranh ngày một khốc liệt giữa các ngân hàng, xu hướng mở rộng thị trường vẫn tiếp tục diễn ra và được các ngân hàng thương mại âm thầm thực hiện một cách hiệu quả. Có thể thấy các ngân hàng vốn đặt “đại bản doanh” tại Hà Nội như VIB, nhưng đã Nam tiến rất thành công sau khi chuyển trụ sở vào TP HCM vào năm 2018. Một số ngân hàng khác như Nam Á Bank, HDBank, Sacombank… đặt trụ sở chính tại TP.HCM nhưng cũng đã phải đưa ra rất nhiều giải pháp khác nhau để tấn công thị trường miền Bắc. Do vậy, bước đi này của Eximbank được kỳ vọng sẽ tạo một sự thay đổi đột phá.
Nếu được thông qua, đây sẽ là sự kiện quan trọng tại dấu mốc 35 năm tuổi của Eximbank, thể hiện quyết tâm, hành động mạnh mẽ của ngân hàng trong hành trình chuyển mình hướng tới các mục tiêu chiến lược mới. Đồng thời cho thấy nhà băng này đang quyết tâm vượt qua khó khăn, chuyển mình tích cực giữa bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động.
Cùng Eximbank chuyển yêu thương - đi muôn phương |
Lãnh đạo Eximbank khẳng định không thu khoản nợ 8,8 tỷ đồng |
Ghế “nóng” Eximbank lại đổi chủ |